27/2/17

ÔI NHÀ BÁO, NHÀ BÁO "ÔI" !

Những ngày qua trên các trang báo và mạng xã hội rộ lên bởi tuyên bố đầy trách nhiệm của Phó Chủ tịch UBND Quận I – TP Hồ Chí Minh Đoàn Ngọc Hải khi nhận nhiệm vụ chỉ đạo xử lý các vi phạm về trật tự đô thị trên địa bàn quận : "Nếu không làm được tôi sẽ cởi áo về vườn không làm nữa, chứ không làm theo phong trào, đánh trống bỏ dùi, để nổi tiếng". 
Tuyên bố của Ông Hải và những việc ông đang làm những ngày qua cho thấy đã có thêm những nhân tố tích cực trong việc thực thi pháp luật của cấp Chính quyền cơ sở thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm xây dựng một bộ máy hành chính phục vụ tốt hơn nữa cho người dân.
Giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong quản lý trật tự đô thị là hết sức phức tạp và đụng chạm đến nhiều cá nhân, cơ quan và doanh nghiệp. Ông Hải đã xác định: "Để làm được điều đó thì không chỉ xử lý vi phạm ở nhà dân, ở các điểm kinh doanh mà phải làm ở các cơ quan Nhà nước để làm gương. Tất nhiên trong quá trình xử lý sẽ có đụng chạm, song chúng tôi vẫn phải làm vì không ai được đứng trên pháp luật"
Ủng hộ tinh thần và thái độ làm việc của ông là tràn ngập trên các trang báo và mạng xã hội với nhiều loạt bài viết và chia sẻ. Tuy nhiên có một sự bất thường mà trên mạng xã hội đang lan truyền rất nhiều là văn bản của Báo Đời sống và Pháp Luật mà Cơ quan đại diện phía Nam do Ông Trần Thanh Thắng ký gửi cho Ông Đoàn Ngọc Hải.
- Nội dung văn bản(nực cười) xin được kèm theo đây cho thấy vai trò của Báo Đời sống và Pháp luật trên mặt trận đấu tranh chống tham những và tiêu cực đang có vấn đề ?
- Đằng sau văn bản này liệu có sự tác động của các nhóm lợi ích như vụ nước mắm truyền thống ?
- Nhà báo có vượt quá quyền hạn khi yêu cầu xác minh tài sản là chiếc điện thoại và đồng hồ đeo tay?



Kỳ Nam. 25/2/2017

- https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1579964858684870&set=a.421055541242480.114516.100000141142021&type=3&theater
- http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20170227/cach-chuc-nha-bao-gui-cong-van-cho-ong-doan-ngoc-hai/1271534.html

24/2/17

DU LỊCH VIỆT NAM: BAO GIỜ HẾT TƯ DUY “ĂN SỔI Ở THÌ”

Tự hào mà nói rằng Vit Nam là một trong số ít quốc gia được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh thắng đẹp. Chúng ta hãy dành thời gian đi du lịch trong nước , đến khắp mọi miền của đất nước  mà chiêm ngưỡng và cảm nhận chắc trọn cả đời không đi hết. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra trước mỗi hành trình du lịch thường làm cho nhiều người nản bởi hạ tầng cho các điểm du lịch danh thắng hầu như không đạt. Nhìn sang các nước láng giềng mà buồn. Danh thắng đẹp ba bốn phần họ đầu tư đẹp lên mười phần để thu hút khách du lịch, còn ở ta thì khai thác triệt để và tận thu tối đa mà không đầu tư gì để tôn tạo và phát huy giá trị của danh thắng.


Theo  Quyết định phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/01/2013 nêu rõ: “Đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp với hệ thống cơ sở vật chất-kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển.”

4 năm đã trôi qua, quy hoạch đã được phê duyệt vậy mà tại các điểm du lịch danh thắng được cho là đẹp vẫn không thay đổi gì. Các địa phương khai thác triệt để thiên nhiên hiện có, tận thu tối đa phí tham quan từ du khách mà không đầu tư gì cho du lịch bằng việc tôn tạo, chỉnh trang cảnh quan môi trường cùng dịch vụ chuyên nghiệp. Điển hình phải kể đến Chùa Hương (Mỹ Đức – Hà Nội). Với mức thu phí thắng cảnh lên đến 80.000đ/người cộng với việc cho quá nhiều hàng quán hoạt động nhằm thu phí và các khoản thuế đã và đang phá vỡ cảnh quan và môi trường nơi đây. Hàng trăm tỷ đồng thu được từ du khách mỗi mùa lễ hội không được đầu tư tôn tạo. Nhà vệ sinh công cộng không đủ cho hàng chục ngàn du khách đến đây mỗi ngày, không có ghế cho khách nghỉ chân dọc đường đi và đến cả cái thùng đựng rác cũng còn thiếu.. Các tuyến du lịch Đông bắc cũng cần được nhắc đến như Hồ Ba Bể. Với mức thu phí 46.000đ/ du khách, những ngày cuối tuần hàng ngàn du khách cũng tới đây, nhưng đoạn đường ven hồ từ cổng chính đi bản Pác Ngòi dài 8km rất hẹp và xấu nhưng không được duy tu sửa chữa và nâng cấp. Điểm du lịch Thác Bản Giốc (Cao Bằng) với mức phí 45.000đ/ người nhưng cũng không được đầu tư dù con đường từ điểm soát vé đến thác chỉ dài hơn 300m, cây cầu gỗ mong manh bắc qua con suối đang tiềm ẩn những tai nạn có thể xảy ra vẫn tồn tại như thế từ nhiều năm nay. Tuyến du lịch Tây Bắc cũng không có gì khả dĩ ngoài các điểm nhỏ lẻ do tư nhân đầu tư phục vụ khách du lịch chụp ảnh như các vườn cải, đào, mận...tại Mộc Châu. Điểm có cảnh rất đẹp và thơ mộng như Ba Khan (Mai Châu) vẫn còn hoang sơ, hạ tầng chưa có gì.

Các cơ sở dịch vụ ăn nghỉ tại các điểm du lịch hầu hết là của tư nhân và rằng chẳng có cơ quan nào kiểm tra về vệ sinh và an toàn thực phẩm.

Với những tồn tại hiện nay của ngành du lịch, nếu không được sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ chắc rằng mục tiêu đến năm 2020 thu hút 10,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 47,5 triệu lượt khách nội địa; tăng trưởng khách quốc tế là 7%/năm, nội địa là 5,1%/năm sẽ không bao giờ thực hiện được mà danh thắng thì ngày càng xuống cấp.

Kỳ Nam

Bài đăng trên báo Diễn đàn Doanh Nghiệp ngày 24/2/2017

11/2/17

HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG - Y ĐỨC MÃI TỎA SÁNG

Hàng năm cứ đến mùa lễ hội người dân mọi miền và con cháu dòng tộc Lê Hữu lại kéo nhau về Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác tại Làng Văn Xá, Liêu Xá, Mỹ Hào, Hưng Yên và  xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh để dự lễ hội và dâng hương tưởng nhớ  vị Đại Danh y Hải Thượng Lãn Ông vào ngày rằm tháng giêng âm lịch.

Năm 2017 UBND tỉnh Hưng yên, Bộ Y Tế cùng chính quyền và người dân địa phương đã long trọng tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 226 năm ngày viên tịch của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông và trao giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông lần thứ IV tại quê hương của người.



Lê Hữu Trác tức Chẩn hiệu Nhã Trực, biệt hiệu Hải Thượng Lãn Ông sinh ngày  12/11 năm Giáp Thìn (1724) tại làng Văn Xá, xã Liêu Xá, huyện Đường Hào, Phủ Thượng Hồng, Trấn Hải Dương nay là xã Hoàng Hữu Nam, Huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ông sinh ra trong một gia đình nổi tiếng nối đời khoa bảng. Ông, cha, chú, bác , anh, em cả 6 người từng đỗ đại khoa và làm quan giữ nhiều trọng trách của triều đình và đều được phong  Tước Công, Tước Hầu, Tước Bá. Được thừa hưởng tinh hoa học thức và truyền thống của gia đình. Ngay từ nhỏ Ông  theo cha vào lưu học tại kinh kỳ Thăng Long, ông luôn nuôi chí lớn và đã viết trong “Thượng kinh ký sự”:”…Tôi vốn là con nhà dòng dõi  trâm anh, thủa nhỏ thường chăm chỉ sách đèn, những muốn làm nên sự nghiệp to lớn..”

Năm 1739 khi người cha Lê Hữu Mưu từng đỗ đệ tam giáp tiến sỹ khoa  thời Vua Lê Dụ Tông giữ chức Tả thị lang Bộ Công  dạy  học trong kinh diên qua đời. Cha mất khi ông mới 15 tuổi, ông quyết định dời kinh thành trờ về quê chăm nom gia đình và chăm chỉ đèn sách mong nối nghiệp gia đình tiến thân trên con đường khoa cử. Ở quê được ít năm ông ra nhập quân ngũ theo nghiệp kiếm cung và trở thành một nhà quân sự “đánh đâu thắng đấy” như trong ký sự lên kinh ông đã viết” Từ đeo gươm theo đuổi việc công, tuy trải vượt bao phen nguy hiểm nhưng tôi vẫn được bình yên, những mưu kế được bàn tính trong quân cơ phần nhiều được phù hợp nên đánh đâu thắng đấy. Thông tướng của tôi nhiều phen muốn cất nhắc nhưng tôi nghĩ cái trí bình sinh chưa thỏa thì cầu danh mà làm gì”
Sống trong xã hội phong kiến thời kỳ Lê Trịnh ở giai đoạn suy tàn, các vua chúa, quan lại chỉ lo bòn rút sức dân để củng cố thế lực và địa vị của mình. Ông ngộ rằng dù có giỏi binh pháp cũng chẳng giúp gì cho dân cho nước mà chỉ phục vụ cho nhóm vua chúa tham quan vô lại nên ông dời bỏ quân ngũ và quyết định tạo dựng sự nghiệp cho mình bằng việc chữa bệnh  cứu người. Năm 27 tuổi, khi nghe tin người anh thứ 5 đã dời vào quê ngoại ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh để phụng dưỡng mẹ già rồi mắc bệnh mà từ trần. Nhân việc đó ông xin từ quan để về quê ngoại chịu tang anh và ở luôn tại đó chăm nuôi mẹ già và chuyên tâm đi sâu vào nghề là thuốc chữa bệnh. Ông đặt tên hiệu cho mình là “Hải Thượng Lãn Ông” nghĩa  là Ông lười, lười với công danh “Lãn Ông” và luôn nhớ về quê cha đất tổ là phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương “Hải Thượng” .


Bước vào nghề, trải qua bao khó khăn vất vả. Ông viết trong “Thượng Kinh ký sự”: “…Mùa thu năm Bính Tý(1756) tôi lên kinh để tìm thầy, giận nỗi mình vô duyên không gặp được bậc cao minh nên lại về núi cũ, từ chối mọi sự giao du đóng cửa để đọc sách, tháng ngày lần nữa đến nay đã được mấy năm, tôi đã chữa bệnh cho mọi người đều được khỏi cả, trong quận ai cũng gọi tôi là thầy thuốc.
Tôi đã đặt mình vào nghề thuốc nên lúc nào cũng muốn làm hết sức mình. Trước tác biên soạn cho nhiều để cắm cờ đỏ trong ngành y, có người cười tôi là khoe khoang nhưng tránh sao được miệng lưỡi thiên hạ. Tôi thấy y ký mênh mông, sách vở chồng chất, xếp mục tản mạn vô cùng. Những sách do các bậc hiền triết tiền bối bàn về bệnh, ý nghĩa phương thuốc, vị thuốc có nhièu chỗ chưa nói tơi nơi tới chốn, ắt phải thâu tóm hàng trăm cuốn đúc lại thành một pho để tiện xem đọc…” Là người năm giữ sinh mệnh người bệnh trong tay, dù chỉ là bệnh nhẹ cũng phải tìm cho kỹ nguồn gốc mới mong trị được bệnh, ông viết:” Cổ văn dụng dược như dụng binh, quan trọng vô cùng việc tử sinh”. 

Quan điểm chữa bênh của ông mới nhân văn nhân ái làm sao, ông vẫn nói rằng: Nhà giàu họ không thiếu gì thầy, thuốc; còn nhà nghèo thì khó long mới được lương y, vì vậy phải lưu tâm cứu chữa cho họ thì họ mới sống được. Có rất nhiều bệnh nhân nghèo đã được ông cứu chữa không lấy tiền, cho không cả thuốc men, có khi còn cho cả cơm ăn áo mặc.
Ông thường quên ăn, quên ngủ khi gặp những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Với phương châm còn nước còn tát, ông không lơi là dù chỉ một phút một giây. Đó còn là tâm niệm phấn đấu suốt đời của ông.
Vừa chữa bệnh, vừa viết sách và dạy học, Hải Thượng Lãn Ông thường răn dạy môn sinh của mình:” Nghề làm thuốc là một nhân thuật, người thầy thuốc phải lo cái lo của người và vui cái vui của người, chỉ lấy việc giúp người làm phận sự mà không cầu lợi, kể công” Rồi ông lại nói: “ Những kẻ làm thuốc thừa khi bệnh người ta nguy cấp hoặc nhân lúc tối tăm, trời mưa gió mà bắt bí; Bệnh dễ nói là bệnh khó chữa; bệnh khó chữa nói là không chữa được để rồi giở trò quỷ quyệt làm tiền một cách bất lương, chữa cho người giàu sang thì nhiệt tình sốt sắng để mong được hậu đãi, chữa cho người nghèo thì tỏ ý lạnh nhạt, sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi. Nhưng kẻ như thế thì đâu có thể gọi là lương y được”.


Hàng chục năm chữa bệnh cứu người và biên soạn sách Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông nỗi danh khắp thiên hạ, ông được mời vào kinh thành Thăng Long chữa bệnh cho Chúa Trịnh Cán (1781) và sau đó ông cho ra đời “Thượng Kinh ký sự” (năm 1783) bằng chữ Hán tả quang cảnh ở kinh đô, cuộc sống xa hoa trong phủ chúa Trịnh và quyền uy, thế lực của nhà chúa - những điều Lê Hữu Trác mắt thấy tai nghe trong chuyến đi từ Hương Sơn ra Thăng Long chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán và chúa Trịnh Sâm. Tập ký ấy là một tác phẩm văn học vô cùng quý giá. Mặc dầu tuổi già, công việc lại nhiều: chữa bệnh, dạy học, nhưng ông vẫn tiếp tục chỉnh lý, bổ sung và hoàn thiện tác  phẩm đồ sộ như: Hải Thượng Y Tông Tâm Tĩnh” (1770) gồm 28 tập, 66 quyển  bao gồm lý, pháp, phương, dược và biện chứng luận trị về nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa, sản khoa, nhi khoa, đậu sởi, nhãn khoa, thương khoa, cấp cứu và cả đạo đức y học, vệ sinh phòng bệnh v.v.  Ông còn viết thêm những bộ sách  “Y hải cầu nguyên” (năm 1782), “Vận khí bí điển” (năm1786).

Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác không chỉ là danh y có cống hiến to lớn cho nền y học dân tộc, ông còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn của thời đại.  
Ông qua đời vào ngày rằm tháng giêng năm Tân Hợi (1791) tại Bầu Thượng, (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), thọ 71 tuổi. Mộ ông nay còn nằm cạnh chân núi Minh Từ thuộc xã Sơn Trung, Hương Khê, Hà Tĩnh.

Tri ân những đóng góp của ông cho nền y học nước  nhà với những di sản ông để lại. Ngày 5/5/2010 Bộ Y Tế đã quyết định  “Xét tặng giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông về công tác Y Dược cổ truyền” hai năm một lần nhằm tôn vinh các cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác kế thừa, bảo tồn, phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền và y dược hiện đại phục vụ sự  nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Bộ VHTT - DL cũng đã xếp hạng cấp quốc gia cho hai quần thể di tích lịch sử lưu niệm Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông tại xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh và Làng Văn Xá, Liêu Xá, Mỹ Hào, Hưng Yên.

Kỳ Nam

Rằm tháng giêng năm Đinh Dậu (11/2/2017)

Bài đăng trên báo Diễn đàn doanh nghiệp ngày 11/2/2017

http://enternews.vn/hai-thuong-lan-ong-y-duc-mai-toa-sang.html

4/2/17

TẬN THU CÁC KHOẢN PHÍ - CHÙA HƯƠNG ĐANG BỊ PHÁ VỠ CẢNH QUAN MÔI TRƯỜNG

Hàng năm cứ mỗi độ xuân về ngoài các điểm lễ hội truyền thống Chùa Hương được cho là điểm thu hút khách vào bậc nhất trong cả nước. Là một lễ hội tâm linh nhưng không chỉ có những Phật tử đến đây chiêm bái mà còn là điểm du lịch đối với nhiều người. Mỗi ngày Chùa Hương đón hàng chục ngàn người từ khắp mọi miền về đây chiêm bái.

Lễ hội Chùa Hương năm nay được khai trương vào ngày mồng 5 tết Đinh Dậu. Công tác chuyển bị cho mùa lễ hội đã được các cấp chính quyền địa phương quan tâm từ nhiều tháng trước nên đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên do tận thu phí nên Chùa Hương đang bị phá vỡ cảnh quan môi trường nghiêm trọng.
Mùa lễ hội Chùa Hương - Xuân Đinh Dậu được BQL lễ hội quy định mức phí thắng cảnh lên đến 80 ngàn đồng/ người ( bao gồm phí bảo hiểm 2000đ ? ), vé xuống đò đi Hương Tích (khứ hồi): 50 ngàn đồng/người. Nếu tính đủ cho một hành trình thì du khách còn phải trả 30 ngàn/ người cho hai lượt xe điện từ bãi đỗ xe ô tô vào bến đò và ngược lại, chưa kể tiền thuê xe từ tỉnh khác đến Chùa Hương, vé đi cáp treo và các chi phí ăn ở, vệ sinh…

Bảng thông tin tại các điểm công cộng
Tham khảo ý kiến của nhiều khách tôi đều nhận được sự phàn nàn về mức phí quá cao so với những gì du khách được hưởng lợi. Không những thế, qua quan sát và nhận thấy Chính quyền địa phương đã quá tận thu các khoản từ việc cho dựng quá nhiều kiốt, lều quán nhằm thu phí làm phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, phá vỡ quy hoạch cần thiết cho một chốn linh thiêng cần có. Điển hình là dãy kiốt che khuất khu xực cổng tam quan Đền Trình. Trên dọc đường đi từ bến đò Thiên Trù đến Động Hương Tích là hàng quán san sát che khuất tầm nhìn ra không gian núi rừng hùng vĩ , nhiều hàng quán còn chiếm lối đi khiến cho việc lưu thông rất khó khăn dẫn đến ách tắc thường xuyên vào những ngày cao điểm, nhiều hàng quán xử dụng mái che tùy tiện lộn xộn gây phản cảm….

Hàng quán san sát phá vỡ cảnh quan và che khuất tầm nhìn
 cảnh quan của du khách

Vấn đề vệ sinh và cảnh quan môi trường nếu không được quan tâm giải quyết gấp e rằng rác sẽ ngập tràn nơi chốn bồng lai tiên cảnh. Các điểm chính để người dân hành hương và di chuyển  đều không có các thùng đựng rác có thiết kế phù hợp với  cảnh quan nơi đây. Dọc đường đường đi từ bến đò Thiên Trù đến Chùa Thiên Trù vẻn vẹn có vài thùng rác và một số sọt tre, những vị trí cần thiết suốt tuyến đều không có thùng chứa rác nên  nhiều người  dân thiếu ý thức vẫn vứt rác ra đường hoăc dưới các gốc cây ven lối đi mặc dù loa truyền thanh của BQL thường xuyên nhắc nhở.
Quy hoạch xây dựng  và quản lý một danh thắng như Chùa Hương là điều mà nhiều nơi đã được các cấp Chính quyền và cơ quan quản lý quan tâm và thực hiện rất bài bản như Yên Tử, Chùa Ba Vàng, Chùa Bái Đính…
Chỉ vài bước chân để đến thùng rác nhưng
 những du khách vẫn vô tư để rác thế này
Tại Chùa Hương mọi người dễ dàng nhận thấy sự lộn xộn, mất vệ sinh, chèo kéo khách… Dọc các tuyến đi bộ không được quy hoạch các điểm nghỉ, mặt khác  do hàng quán ken dày đặc nên không còn những khoảng trống và ghế ngồi để khách bộ hành nghỉ chân khi leo núi. Ngay cả những  khu vực đông khách nhất như Đền Trình, Thiên Trù đều không có ghế cho khách, muốn nghỉ chân du khách chỉ còn cách vào quán ăn uống. Qua tìm hiểu một số chủ đò người viết bài được biết: Số tiền 50 ngàn đi đò được  cơ quan quản lý giữ lại 5 ngàn gọi là tiền vệ sinh của du khách, số tiền này đã được đầu tư một số nhà vệ sinh không thu phí tại một số điểm tập trung đông người.


Trở lại đây sau một năm vào mùa lễ hội, được chứng kiến những đổi thay, những tồn tại cần sớm được các cơ quan quản lý của Hà Nội và huyện Mỹ Đức giải quyết , cùng với ý thức văn hóa  giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường của du khách để nơi được coi là “Nam Thiên Đệ Nhất động”, nơi danh thắng tâm linh bậc nhất Việt Nam thực sự xứng tầm với  mong đợi của người dân thập phương  và du khách nước  ngoài  và hơn thế nữa Chùa Hương  trong tương lai không chỉ đón khách  trong mùa lễ hội.

Kỳ Nam
3/2/2017

Bài đăng trên báo điện tử Diễn đàn Doanh nghiệp ngày 4/2/2017
http://enternews.vn/de-chua-huong-luon-la-diem-den-hap-dan-moi-xuan-ve.html
Dãy kiot che chắn cổng Đền Trình

Không có thùng đựng rác, du khách chỉ còn cách để dưới các gốc cây


Thừa rác thải nhưng thiếu những chiếc ghế đá cho khách nghỉ chân

Tram thông tin cả ngày không có người trực


Bài đăng nổi bật

Mù Cang Chải mùa lúa chín