5/9/22

Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Đặng Huy Trứ - Niềm đam mê không tuổi

Khi nhắc đến nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế không thể không nhắc đến Câu lạc bộ Nhiếp Ảnh Đặng Huy Trứ, cái tên gắn với Danh nhân, Tiến sĩ Đặng Huy Trứ, một quan chức lớn triều Nguyễn, sinh tại làng Thanh Lương, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, kinh đô Huế, người có công đầu đưa nhiếp ảnh vào Việt Nam. Gần 40 năm hình thành và phát triển, nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế đã có một đội ngũ sáng tác hùng hậu với nhiều tay máy xuất sắc, nhiều tác phẩm ảnh được giải thưởng cao tại các cuộc thi trong nước và quốc tế góp phần không nhỏ trong việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh Huế đến với du khách trong và ngoài nước. Nổi bật trong phong trào nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế không thể không nhắc đến Câu lạc bộ Nhiếp Ảnh Đặng Huy Trứ. Huế, nơi nổi tiếng về di tích và danh thắng, nơi kinh đô của nước Việt nhiều thế kỷ với nhiều đời vua trị vì đất nước, cái nôi của văn hóa cung đình. Lan tỏa những vẻ đẹp về một địa danh là di sản của thế giới không thể không nói đến những đóng góp của các nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA), các nhiếp ảnh gia (NAG), đặc biệt là đội ngũ các nhà nhiếp ảnh địa phương. Trên mạng xã hội cộng đồng thường thấy hình ảnh về Huế thân thương với những con đò trên phá Tam Giang mỗi khi bình minh lên, ẩn khuất dưới những tán lá đỏ là con thuyền nhỏ của người dân mưu sinh trên Rú Chá mỗi mùa thay lá, cây phượng vĩ đỏ rực hoa soi bóng trên dòng Hương Giang, bên cầu Trường Tiền mỗi mùa hè sang hay những nông dân quăng chài trên dòng sông Như Ý, cùng những khoảnh khắc tuyệt đẹp của mây trời, di tích và lễ hội… Những tên tuổi NSNA lão thành gắn bó từ buổi đầu thành lập CLB Đặng Huy Trứ cho đến nay ở tuổi trên 80 có NSNA Nguyễn Văn Thanh, Hoàng Xuân Dục, Nguyễn Khoa Quả… Cùng với tên tuổi các NSNA như: Đặng Văn Trân, Phạm Văn Tý, Việt Hùng, Hữu Hài, Quý Trọng, Lê Minh, Vĩnh Hướng, Hoàng Văn Phước, các chị Tôn Nữ Thị Hà, Hoa Nghiêm, Thanh Nhã, Xuân Lê, Xuân Mai… Giới thiệu về CLB, NSNA Phạm Văn Tý – Nguyên Phó chủ tịch Hội NSNAVN người sáng lập CLB cho biết: “CLB Nhiếp ảnh Đặng Huy Trứ là một tổ chức nhiếp ảnh mang tính cộng đồng, được thành lập từ tháng 8 năm 2015. Hoạt động dưới sự chỉ đạo của Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế. Là sân chơi dành cho những người yêu nhiếp ảnh lớn tuổi đang sinh sống và làm việc trên địa bàn Thừa Thiên Huế. Với phương châm “sống vui, sống khỏe, sống có ích”, thông qua những hoạt động sáng tác, triển lãm… trong thời gian qua đã gặt hái được nhiều thành tựu nhất định, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp phát triển phong trào nhiếp ảnh tỉnh nhà.” NSNA Vĩnh Hướng, một trong những thành viên đầu tiên của CLB dù tuổi cao vẫn hăng say chụp sáng tác, anh còn truyền cảm hứng cho người vợ yêu quý của mình để đi bất kỳ đâu hai tay máy cũng đều có những tác phẩm để đời cho con cháu. Ngoài bộ máy ảnh nặng trên vai anh còn sử dụng thành thạo thiết bị chụp ảnh trên cao (flycam) để cho ra những bức ảnh về thiên nhiên, con người xứ Huế làm say đắm lòng người. Chia sẻ về những hoạt động của CLB, anh cho biết thêm: “CLB là tập hợp các thành viên yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh có tuổi đời từ 50 tuổi trở lên, hiện đang sinh sống trên địa bàn Thừa Thiên Huế, tham gia trên cơ sở tự nguyện với mục đích tạo sân chơi bổ ích, cùng nhau học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật. Từ khi thành lập đến nay, CLB đã có nhiều hoạt động tích cực góp phần tuyên truyền quảng bá hình ảnh địa phương, tổ chức các chuyến sáng tác trong và ngoài tỉnh, nhiều anh chị em đã đạt được những thành tích từ những tác phẩm của mình. Không chỉ chụp ảnh cho riêng mình, anh em trong CLB còn rất tận tâm, nhiệt tình đưa dẫn, giao lưu, học hỏi cùng anh chị em nhiếp ảnh khắp cả nước mỗi khi đến Huế sáng tác ảnh”. Cao tuổi nhất trong số thành viên nữ của CLB không thể không nhắc đến nữ nhiếp ảnh gia Thanh Nhã, ở tuổi 74 chị vẫn miệt mài sớm khuya cùng các nhiếp ảnh trẻ, đi khắp các vùng miền đất nước, ngoài bộ máy ảnh chị cũng sử dụng thành thạo flycam và có nhiều tác phẩm đẹp. Chia sẻ cảm nghĩ về CLB của mình chị tâm sự: “Từ sau Hội nghị toàn thể lần thứ 2, nhiệm kỳ 2022-2027 vừa qua đến nay, dàn lãnh đạo mới với những nghệ sĩ giàu kinh nghiệm và tâm huyết tôi rất tin tưởng. Từ những buổi họp, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm khiến tôi lại hào hứng sáng tác hơn và đang chuẩn bị cho chuyến sáng tác mùa vàng nơi vùng cao Tây Bắc”. Nhiếp ảnh luôn là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa, xã hội. Chúng ta ai cũng thấy sự lan tỏa từ những bức ảnh chụp phong cảnh, đời sống… ở mọi miền đất nước trên các trang báo và mạng xã hội. Đóng góp một phần không nhỏ cho việc tuyên truyền quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước là công sức, trí tuệ của rất nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh từ các CLB trên khắp đất nước trong đó có CLB Nhiếp ảnh Đặng Huy Trứ, Thừa Thiên Huế. Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống xin giới thiệu đến bạn đọc một số tác phẩm của các thành viên CLB Nhiếp ảnh Đặng Huy Trứ:

22/8/22

Vẻ đẹp hoang sơ giữa đại ngàn

Ông Ma Văn Toản – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Sơn, Lâm Bình cho biết: "Bản Biến nằm ở độ cao 400m, cư dân trên bản chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao chiếm với gần 90%...". Nằm sát Quốc lộ 279 cách Hà Nội 232km, con đường quanh co giữa những dãy núi đã vôi, hai bên đường là những cánh rừng nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ, đặc biệt có cây nghiến 1000 tuổi. Điều đặc biệt hơn nữa khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng khi đến Bản Biến, xã Phúc Sơn, huyện Lâm Bình, Tuyên Quang. Con đường vào bản được ví như mê cung của những câu chuyện cổ tích bởi vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí. Cũng như nhiều xã ở Lâm Bình, mỗi địa danh đều mang theo những huyền thoại được lưu truyền qua rất nhiều thế hệ của đồng bào các dân tộc. Cái tên Bản Biến cũng bắt đầu từ một truyền thuyết cổ được người dân lưu truyền từ đời này qua đời khác, chuyện rằng: Từ xa xưa lắm có một bản người Tày sông trong thung lũng này, vì quá lâu người ta cũng không nhớ bản có tên gì. Họ sống yên bình với hơn trăm nóc nhà, người dân nơi đây thuận hòa, hễ ai trong bảnắn bắn được thú gì cũng chia đều cho tất cả các gia đình trong bản và họ quy ước rằng chỉ dung tên nỏ thường mà không dung tên tẩm thuốc độc để săn bắn thú rừng. Rồi một nhà kia, trong chuyến sang vùng bên có mang về một lọ thuốc độc vì nghe nói bắn thú bằng tên tẩm thuốc độc thú sẽ chết ngay mà không phải mất công đi tìm xác, họ nghĩ đơn giản thuốc độc chỉ làm chết thú chứ không chết người. Vợ chồng to nhỏ cùng nhau rồi cất lọ thuốc lên mái cọ, không ngờ cậu con trai nghe được và nhìn thấy. Một hôm cha mẹ đi nương, cậu bé ở nhà một mình và nhớ đến lọ thuốc mà cha giắt trên mái cọ, bèn lấy xuống thử. Cậu mang lọ thuốc vào rừng và ngồi vót tên dưới gốc cây to. Cứ vót được mũi tên nào là cậu tẩm mũi tên vào thuốc rồi cắm vào cái hốc nhỏ trên thân cây. Thuốc độc dần ngấm vào thân cây có con trăn không lồ chuyên ăn lá cây đó bị trúng độc rơi xuống chết. Thấy con trăn to quá dân hò nhau khiêng về bản, sẻ thịt chia cho từng nhà. Có một cụ bà góa ở cuối bản đi nương nên dân làng treo xâu thịt vào gác bếp cho bà. Khi về, bà thấy xâu thịt treo trên gác bếp, lúc thì tự dài ra chấm xuống nền nhà, lúc lại co lên như cũ. Bà sợ quá không dám ăn mà mang vứt ra bìa rừng. Hôm đó cả bản ăn thịt chăn, hôm sau cả làng chết hết chỉ còn lại mình bà lão. Thấy thế bà lão sợ quá, bỏ bản mà đi. Bản có tên Biến từ đấy với ý: Bản biến mất sau một đêm. Sau này khi người Dao xuống núi, thấy phong cảnh nơi đây đẹp họ ở lại sinh cơ lập nghiệp và giữ tên này cho đến ngày nay. Nằm trong quần thể dãy núi đá vôi thuộc vòng cung sông Gâm. Bản Biến như được thiên nhiên bù đắp cho những mất mát khi xưa mà ban tặng cho nhiều danh thắng đẹp, là tuyến điểm được kết nối với các đia danh du lịch của huyện Lâm Bình, Tuyên Quang. Bản Biến đang sở hữu một quần thể di tích và danh thắng, đến đây du khách có thể tham quan các cùng hang động như: Thẳm Nặm, Thẳm Ngần (núi bạc), núi vàng Fia(núi vàng) hai ngọn núi gắn với sự tích núi vàng núi bạc. Chảy quanh co trong bản là con suối chảy quanh năm từ con thác Pù Chú ở cuối bản. Vào mùa thu hoạch, cánh đồng lúa chín rực vàng giữa những ngọn núi bao xung quanh tạo nên bức tranh tuyệt đẹp. Trao đổi với phóng viên DĐDN, ông Ma Văn Toản – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Sơn, Lâm Bình cho biết: “Bản Biến nằm ở độ cao 400m, cư dân trên bản chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao chiếm với gần 90%. Bản biến đã và đang khai thác tiềm năng của mình bằng việc đầu tư xây dựng điểm du lịch cộng đồng. Hiện bản đã có 6 homestay đủ tiêu chuẩn phục vụ du khách với phòng ngủ riêng biệt và cộng đồng, 4 homestay đang được người dân đầu tư xây dựng có sự hỗ trợ của tỉnh. Thực hiện Đề án của tỉnh và huyện xã Phúc Sơn đang vận động bà con giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc; Phát triển các sản phẩm du lịch phục vụ du khách; Giữ gìn vệ sinh môi trường; xây dựng đường giao thông nông thôn mở đường đường lên các hang động, thác nước; Tạo các điểm nhấn thu hút khách tham quan, check in như: làm đường trên lúa, chỗ bơi mảng, tắm suối, khu nhà tại đồi cọ… “ Vẻ đẹp nguyên sơ như một bức tranh nằm biệt lập giữa núi cùng khu rừng nguyên sinh, khí hậu trong lành, mát mẻ. Nếu được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư hạ tầng như: Nâng cấp con đường chính chạy qua bản, xây dựng cầu qua suối đảm bảo an toàn cho du khách và người dân trong mùa lũ. Bản Biến trong tương lai gần sẽ là một trong những điểm hấp dẫn du khách tham quan, trải nghiệm, khám phá và nghỉ dưỡng khi đến với Lâm Bình, Tuyên Quang. Bài và ảnh: Kỳ Nam Chùm ảnh về vẻ đẹp Bản Biến:

20/5/22

ĐIỆN CHO PHÚ QUỐC - NỖ LỰC TỪ MỘT NHÀ THẦU

Đằng sau những KW điện là mồ hôi và công sức của hàng vạn công nhân đang ngày đêm có mặt trên các công trình xây dựng và truyền tải. Phú Quốc từ một huyện đảo có vị trí đặc biệt quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh của Việt Nam, là vùng đất trù phú với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội nay đã trở thành một thành phố sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua với Nghị quyết số 1109/NQ-UBTVQH14 với có 9 đơn vị hành chính cấp xã là 2 phường Dương Đông, An Thới và 7 xã: Bãi Thơm, Cửa Cạn, Cửa Dương, Dương Tơ, Gành Dầu, Hàm Ninh, Thổ Châu.
Những năm gần đây Phú Quốc được mệnh danh là “Hòn đảo ngọc” và được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn, khu du lịch cùng cơ sở hạ tầng đã và đang được xây dựng, diện mạo thành phố đảo đang thay đồi từng ngày. Nhằm tăng công suất phụ tải, cung cấp nguồn điện an toàn cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng tại TP Phú Quốc, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã và đang thực hiện dự án xây dựng hệ thống truyền tải điện 220KV vượt biển Kiên Bình - Phú Quốc có tổng mức đầu tư 2.212 tỷ đồng, với chiều dài toàn tuyến 80,5km từ huyện Kiên Bình (đất liền) ra điểm cuối thuộc xã Dương Tơ, TP Phú Quốc. Có mặt tại hiện trường thi công cột số 145 trên biển thuộc xã Dương Tơ, TP Phú Quốc, phóng viên DĐDN đã chứng kiến không khí làm việc sôi động của cán bộ và anh em công nhân của Công ty Cổ phần xây lắp điện 1(PC1), nhà thầu thi công sản xuất, lắp dựng, kéo dây cho 25km với 57 cột trong đó có 13 cột trên đất liền. Hàng chục công nhân mặt xạm đen vì nắng và gió biển trong trang phục bảo hộ dính đầy dầu mỡ, áo đẫm mồ hôi trong cái nắng gay gắt đang tháo gỡ hàng trăm mét dây cáp điện có đường kính 20mm, nặng 2kg/m trên mặt bằng thi công chật hẹp là 01 xà lan có diện tích 480m2 mà các thiết bị thi công cùng container làm nhà tạm đã chiếm phần lớn diện tích. Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thi công, anh Hồ Trong Hiếu - Chỉ huy trưởng công trình thuộc nhà thầu PC1 cho biết: “Khó khăn nhất là thời gian thi công 44 cột trên biển, các cột cách nhau trung bình 600m, đơn vị thi công gồm 80 công nhân đều đến từ Hà Nội, hàng ngày từ 4h sáng anh em công nhân đã phải lên tàu ra biển hàng chục km để đến vị trí làm việc, chiều tối lại trở về đất liền chỉ còn lại một số anh em ở lại trông coi máy móc thiết bị và vật tư. Thời tiết là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến quá trình thi công. Phú Quốc vào mùa này hay gặp mưa giông, gió mạnh thất thường. Những ngày biển động phải kéo xà lan vào đất liền từ 15-20km. Quá trình này rất mất thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ thi công”. Khó khăn là vậy nhưng cuộc sống tinh thần của anh em công nhân vẫn rất vui, trên xà lan ngoài biển anh em vẫn nuôi những chú chó, con chim, vẫn hăng say lao động. Gặp Anh Nguyễn Hồng Quân – Quyền Trưởng ban Kỹ thuật PC1 vừa từ Hà Nội vào mang theo nhiều xuất quà của Lãnh đạo công ty cùng tiền thưởng vào cho anh em công nhân, anh cho biết: “Cuộc sống lao động của anh em công nhân trên công trường rất khó khăn. Nước sinh hoạt và nước ăn uống đều phải mua hàng ngày từ đất liền. Anh em đều phải đi làm từ rất sớm trong điều kiện thời tiết xấu, lại làm việc trên cao. Công ty luôn quan tâm đến đời sống và bảo hộ lao động, lãnh đạo cắt cử người thay nhau vào thăm và động viên vậy nên anh em công nhân làm việc rất tích cực và hiệu quả. PC1 hiện là nhà thầu thi công đạt các chỉ tiêu kỹ thuật và tiến độ nhất trong số các nhà thầu của EVN”. Trong sự phát triển của nền kinh tế, vai trò của ngành điện rất quan trọng, là nhân tố không thể thiếu cho thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư và an sinh xã hội. Đằng sau những KW điện là mồ hôi và công sức của hàng vạn công nhân đang ngày đêm có mặt trên các công trình xây dựng và truyền tải, như mạch máu trong cơ thể không bao giờ được phép ngừng chảy. Một số hình ảnh ghi nhận tại dự án xây dựng hệ thống truyền tải điện 220KV vượt biển Kiên Bình - Phú Quốc

18/3/22

Vẻ đẹp trắng tinh khôi của hoa sơn tra

Những ngày tháng 3 khi hoa gạo bắt đầu "đỏ lửa” trên vùng cao Tây bắc cũng là lúc cây sơn tra (táo mèo) nở bung hoa trắng trên những đỉnh núi cao ở Sơn La, Yên Bái. Vài năm gần đây nhiều người đam mê nhiếp ảnh và du lịch đã biết đến Bản Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La bởi vẻ đẹp trắng tinh khôi của hoa sơn tra trải rộng khắp bản. Sống trên những dãy núi cao, sườn đồi, con dốc, cây sơn tra không chỉ đẹp mỗi mùa hoa mà còn là nguyên liệu chế biến các sản phẩm như rượu vang sơn tra, rượu táo mèo, nước ép từ quả sơn tra.
Con đường dài 11km từ trung tâm xã Ngọc Chiến đến Nậm Nghiệp là thử thách không hề nhỏ cho cánh lái xe, không những thế chỉ những loại xe có gầm cao, hai cầu hoặc xe máy số tay hoặc chân mới lên được. Phần thưởng sau chặng đường gian nan vất vả dành cho du khách là cảnh sắc tuyệt đẹp của núi non trùng điệp trên độ cao 1957m, là bạt ngàn hoa trắng giữa mênh mông đất trời. Bản Nậm Nghiệp hiện có 107 hộ với 700 nhân khẩu. Từ bao đời nay người dân tộc Mông nơi đây ngoài trồng ngô lúa, rau xanh trên các thửa ruộng bậc thang, quanh vườn nhà, chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng cây táo mèo, thảo quả. Hàng vạn cây táo mèo (sơn tra), hàng trăm ha thảo quả là nguồn thu nhập chính của bà con, tuy nhiên do đường xá rất khó khăn hơn nữa hai năm qua do dịch bệnh Covid nên hàng ngàn tấn sản phẩm không tiêu thụ được. Chia sẻ về cuộc sống của người dân nơi đây, anh Kháng A Lệnh chủ nhân của Homestay duy nhất tại bản đang trong giai đoạn xây dựng cho biết: "Bản hiện đã có điện, nước, có trạm viễn thông nhưng khó khăn lớn nhất là hiện nay là đường giao thông, mùa thu hoạch táo mèo vào tháng 9, mùa này lại thường hay mưa nên nhiều xe tải của thương lái không lên đây được dù đoạn đường chỉ 10km, thu hái xong không bán được, sau 10 ngày táo sẽ hỏng, đường sá khó khăn giá thu mua thấp không đủ chi phí thu hái quả nên bà con bỏ mặc cho táo chín rụng phủ dày dưới các gốc cây.” Được biết vài năm gần đây đã có du khách đến Nậm Nghiệp vào mùa hoa sơn tra kéo dài từ đầu tháng ba đến trung tuần tháng tư và mùa thu hoạch vào tháng 9 dương lịch song do hạ tầng giao thông quá kém, cơ sở lưu trú chưa có, không đủ điều kiện để thu hút khách. >> Ngất ngây vẻ đẹp miền biên ải Trao đổi với phóng viên DĐDN, ông Lò Văn Sây – Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến cho biết: "Xã đã xây dựng đề án phát triển du lịch theo định hướng của tỉnh và huyện, hiện tại xã Ngọc Chiến có 18 cơ sở lưu trú tập trung ở khu vực suối khoáng nóng và đã quy hoạch chi tiết bốn điểm du lịch như: Xây dựng bản cổ, xây dựng không gian văn hóa dân tộc Mông tại bản Chom Khâu, khai thác tiềm năng du lịch trải nghiệm hang động, thác nước, rừng thông bonsai,rừng hoa quả sơn tra Nậm nghiệp, leo núi Tả Chí Nhù… Hiện tại xã Ngọc Chiến đã xây dựng 60 đề án phát triển du lịch, đã thực hiện được 30 đề án, các hoạt động đầu tư dịch vụ du lịch và lưu trú trong địa bàn đều thực hiện phương châm xã hội hóa do dân đầu tư có định hướng của xã. Lãnh đạo xã rất trăn trở về việc đầu tư xây dựng con đường từ trung tâm xã lên bản Nậm nghiệp nhằm giúp bà con tiêu thụ sản phẩm quả sơn tra cùng với việc phát triển du lịch trải nghiệm tại đây vào mùa hoa và mùa quả chín song còn khó khăn về nguồn vốn từ ngân sách”. Phát triển kinh tế, đưa du lịch trở thành ngành mũi nhọn đang là định hướng phát triển kinh tế xã hội của nhiều địa phương trong đó có Sơn La. Nậm Nghiệp đang là điểm hấp dẫn khách du lịch với diện tích cây sơn tra lên đến 1600ha, sản lượng gần 20 ngàn tấn quả mỗi vụ với giá bán từ 15-20 ngàn đồng/kg đang là cây có giá trị kinh tế cao, giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Qui hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, bảo quản, chế biến các sản phẩm từ quả sơn tra cùng với việc xây dựng các sản phẩm du lịch, xúc tiến và tuyên truyền quảng bá…Chắc rằng nơi đây không chỉ là điểm du lịch hấp dẫn mà còn là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến các sản phẩm từ quả sơn tra.
https://diendandoanhnghiep.vn/lens/ve-dep-trang-tinh-khoi-cua-hoa-son-tra-219233.html?fbclid=IwAR3ZQwnToVbFsXd0-ai4FQv-amnBWNizom9YfqklFYg78MxsCLvw8RPVBx8

17/2/22

Ngất ngây vẻ đẹp miền biên ải

Những ngày đầu xuân, khi hoa đào, mận, lê nở là thời điểm đẹp nhất cho du khách đi ngắm cảnh vùng cao. Huyện Bát Xát đang là điểm thu hút nhiều khách du lịch bởi vẻ đẹp hoang sơ và lãng mạn. Nơi đây không chỉ đẹp bởi những thửa ruộng bặc thang mùa nước đổ in bóng mây trời hay mùa lúa chín trải dài vàng rực trên những thửa ruộng bậc thang dưới thung lũng Mường Hum, Sàng Ma Sáo, Y Tý. Bát Xát còn đẹp ngất ngây mỗi khi xuân về. Những hàng cây đào nở hồng hai bên đường, trước cửa nhà khắp các bản làng của đồng bào dân tộc Hà Nhì và đặc biệt hơn nữa tại xã Y Tý là biển mây giữa đại ngàn. Xã Y Tý thuộc huyện Bát Xát, Lào Cai, nằm ở độ cao hơn 2000m, cách TP Lao Cai 72km với gần 800 hộ sinh sống trên 16 thôn bản với 4 dân tộc anh em (Mông, Hà Nhì, Dao, Kinh). Vào mùa du lịch Y Tý đón hàng ngàn lượt khách đến đây khám phá và trải nghiệm. Những con đường nhỏ ngoằn nghèo và dốc ngược trên rẻo cao, dưới thung lũng là biển mây ngập tràn bồng bềnh, những cơn gió cuốn chúng lên cao gặp núi rồi cuộn trở lại như những con sóng ngoài biển, những thôn bản, những thửa rộng bậc thang thoắt ẩn, thoắt hiện trong mây làm ngất ngây du khách. Để đến được Y Tý phải trải qua quãng đường hơn 30km đèo dốc quanh co, gập ghềnh sỏi đá. Tuy nhiên chăc không lâu nữa Y Tý sẽ trở thành điểm du lịch thứ 2 của tỉnh Lào Cai sau địa danh nổi tiếng Sa Pa. Định hướng phát triển du lịch là bước đột phá để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân và tăng nguồn thu phục vụ đầu tư cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội. Huyện Bát Xát đang từng bước thực hiện các nghị quyết của tỉnh và huyện. Chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Văn Tâm – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin cho biết: ”Huyện Bát Xát hiện mới có 42 cơ sở lưu trú hầu hết là những homestay, huyện đã được tỉnh phê duyệt và đang thực hiện “Đề án 05” về quy hoạch và phát triển du lịch giai đoạn 2020 – 2025, đưa du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc giai đoạn 2020-2025”. Hy vọng một tương lai gần địa danh Y Tý, Bát Xát sẽ có trên bản đồ du lịch toàn cầu, là điểm hấp dẫn du khách trong nước và Quốc tế bởi vẻ đẹp của thiên nhiên cùng người dân thân thiện, hiếu khách. Cùng ngắm vẻ đẹp ngất ngây của vùng đất biên ải này:

Bài đăng nổi bật

Mù Cang Chải mùa lúa chín